Phía sau thành tích rực rỡ của nhà vô địch Huyền Diệu là những chuyện rất đời thường.
1. Nhiều người sinh sống lâu năm ở Đông Hưng Thuận – quận 12 – TPHCM và nhất là hàng xóm ở quanh khu chợ Bàu Nai biết rõ về ông Hai “Bồ câu”. Ông không chỉ là chủ nhân của một đàn chim nhỏ mà còn là một thầy lang danh tiếng miệt vườn, chuyên chữa trị bong gân, trật khớp. Nhưng điều đáng tiếc nhất đối với ông có lẽ là lúc ông qua đời, trong dòng người đưa tiễn lại thiếu vắng đứa cháu ngoại mà ông yêu quý nhất.
“Ngoại ơi! Con về bên ngoại nè” – đó là tiếng kêu thảng thốt của đứa cháu mà ông Hai từng âu yếm. Chòm xóm không ai có thể trách được sự muộn màng đó, bởi cô cháu gái còn phải gánh trên vai trọng trách Tổ quốc giao phó. “Lúc đó cháu Diệu đang tập huấn ở Đài Loan và Hàn Quốc chuẩn bị cho SEA Games 23. Gia đình sợ đưa tin ông mất sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình tập luyện của cháu” – bà Huỳnh Thị Cúc, mẹ của Huyền Diệu, cho biết như vậy. Bà kể tiếp: “Vậy mà qua liên lạc, không rõ linh tính thế nào cháu cứ nói thấy ông ngoại mất trong giấc mơ… Đến lúc Huyền Diệu chuẩn bị đến với đấu trường SEA Games thì ông ngoại qua đời”.
2. Cứ tưởng những cú ra đòn quyết liệt, sự dũng mãnh trên sàn đấu của Huyền Diệu sẽ đánh mất nét diệu hiền, sự chân chất vốn có của con gái “mười tám thôn vườn trầu” nhưng trái lại, “nó mát tay lắm, con “nái” nào mà có cô Diệu giúp thì đẻ một lứa cả chục con tròn lẵn” – chị Ba bán nước ở đầu ngõ khu phố 7, Đông Hưng Thuận, cho biết thêm về nhà vô địch SEA Games như thế. Bà Cúc kể: “Gia đình tôi vốn sinh sống bằng nghề nông và chăn nuôi nhưng không hiểu duyên số làm sao mà đẩy đưa cháu Diệu đến với võ thuật. Tuy chọn nghiệp riêng nhưng cái nghề gia truyền hình như có trong máu cháu rồi. Không biết chuyện đánh đấm thế nào chứ chuyện làm “bà mụ” đỡ đẻ cho heo thì nó khéo lắm”. Còn Huyền Diệu thì bộc bạch: “Em đâu có giỏi giang gì, chỉ phụ giúp gia đình từ nhỏ rồi thành quen tay”. Rõ là nhà vô địch khiêm tốn bởi mỗi lúc có Diệu ở nhà, đàn heo luôn ăn nhiều và chóng lớn hơn!
Về việc đồng áng, khâu chọn giống lúa mới khiến cô lúng túng, chứ chuyện cấy mỗi ngày vài công ruộng đối với nhà vô địch này là bình thường. Dù bây giờ Diệu không còn phải một nắng hai sương như thuở thiếu thời phụ giúp cha mẹ chuyện ruộng vườn, song chất cần cù, siêng năng không bao giờ mất đi ở cô gái này. Những lúc trở về nhà mỏi mệt sau các buổi tập, Diệu thư giãn bằng cách chăm sóc cây cảnh. Nhờ đó, căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm cuối hẻm đất ở quận 12 quanh năm mát rượi với hàng cây kiểng xanh mượt. Bà Cúc tự hào: “Cũng có lúc Diệu tính cả chuyện trồng phong lan nữa, nhưng gia đình ngăn vì cháu còn phải tập trung cho nghiệp võ”. Phải rồi, võ thuật là con đường mà Diệu đã chọn và cũng là kỳ vọng của ông ngoại cô lúc sinh thời.