Ông Nguyễn Hồng Minh: Phải giành được 4-6 HCV tại ASIAD 2006

Theo ý kiến của ông, bóng đá Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, nhưng không thể vì thế mà phủ nhận nỗ lực và thành công của các môn thể thao khác. Nếu hướng đến những tiêu chí ASIAD và Olympic thì có thể nói 2005 vẫn là một năm thắng lợi, trong khi năm 2006 sẽ gánh vác những nhiệm vụ nặng nề nhưng cao cả.

.Thưa ông Hồng Minh, xin ông đánh giá về bức tranh toàn cảnh thể thao Việt Nam trong năm 2005 vừa qua?

– Điều đầu tiên cần khẳng định, đó là thể thao Việt Nam đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ, chỉ tiêu mà kế hoạch công tác năm 2005 đề ra. Các VĐV của chúng ta đã trải qua khoảng 120 cuộc thi đấu quốc gia và khoảng 80 cuộc thi đấu quốc tế (tầm cỡ khu vực, châu lục và thế giới). Qua đó, chúng ta đã giành được 7 danh hiệu vô địch thế giới, 7 Cúp thế giới, 14 danh hiệu vô địch châu Á và trên 70 danh hiệu vô địch Đông Nam Á. Đó là những thành tích hết sức đáng quý.

Năm 2005 được coi là năm SEA Games 23. Kế hoạch của chúng ta đã vạch ra rất rõ: duy trì vị trí trong nhóm 3 nước dẫn đầu bằng cách đoạt trên 60 HCV, bóng đá nữ bảo vệ ngôi vô địch, bóng đá nam phấn đấu có huy chương, đồng thời nâng cao thành tích của các môn Olympic.

Những người làm thể thao đã đề ra một chiến lược đúng đắn, theo dõi sát sao và liên tục có những chỉ đạo kịp thời để có thể đạt thành tích gần nhất với thực lực của Việt Nam ở Đại hội này. Ngay từ sau SEA Games 22, chúng tôi đã xây dựng chương trình hành động cho 2 năm sau, và chỉ 2 tháng trước ngày khai mạc, đoàn TTVN đã chốt lại những chỉ tiêu cụ thể. Với những gì mà các VĐV Việt Nam đã thể hiện ở Philippines, tôi nghĩ không có từ nào đánh giá chính xác hơn là “thắng lợi”.

.Trong thắng lợi chung đó, theo ông, đâu là những “đỉnh” quan trọng nhất?

– Tất nhiên, mỗi tấm HCV hay những chức vô địch mà VĐV của chúng ta giành được qua các giải đấu đều hết sức đáng trân trọng. Nhưng nếu dùng hệ quy chiếu là xu thế hướng đến những sân chơi lớn hơn như ASIAD hay Olympic thì rõ ràng, thành tích của những môn cơ bản như điền kinh, bơi lội, vật, thể dục, cử tạ, taekwondo… phải được khuyến khích đặc biệt.

Chính vì vậy mà tôi cho rằng những “mốc son” của thể thao Việt Nam trong năm qua nên được dành để ghi công Nguyễn Hữu Việt – người mang lại tấm HCV bơi lội đầu tiên sau 40 năm, Bùi Thị Nhung – liên tiếp đoạt HCV nhảy cao Đông Nam Á, rồi SEA Games 23 hay Hoàng Anh Tuấn – giành những tấm huy chương tầm cỡ thế giới ở môn cử tạ.

Vũ Thị Hương lần đầu “tấn công” vào cự ly 100m nữ của SEA Games, tuy so với châu Á và thế giới còn khoảng cách khá xa nhưng VĐV này còn rất nhiều cơ hội phát triển trước mắt… Nguyễn Văn Hùng (taekwondo) tuy không lọt vào danh sách 10 VĐV tiêu biểu, nhưng anh vẫn là một trong những niềm hy vọng chính của chúng ta nếu vươn ra Thế vận hội. Cờ vua cũng đã có một năm rực rỡ…

. Nhưng đối nghịch với sắc màu tươi sáng đó là hình ảnh của bóng đá nam…

– Thật tiếc, bóng đá nam đang trải qua thời điểm cực kỳ ảm đạm. Đây là giai đoạn cuối của hơn 10 năm, chính xác là 15 năm (từ 1991 đến nay) tiêu cực hoành hành, và đã đến lúc chúng ta phải phanh phui nó thật mạnh tay. Hậu quả của việc “mổ xẻ” sẽ còn rơi rớt trong nhiều năm nữa, nhưng chúng ta cần phải làm thật kiên quyết và triệt để.

Như tôi đã từng nói, trong những hạn chế của chúng ta ở SEA Games 23, ngoài khả năng đầu tư về kinh phí, y học… thì công tác giáo dục đạo đức VĐV cũng cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Một số cầu thủ bóng đá nam chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các VĐV, nhưng việc đòi tiền thay vì cống hiến cho màu cờ sắc áo đã là điều không thể chấp nhận được, nói gì đến chuyện tày trời là bán độ…

Nhưng nhân đây tôi cũng muốn bình luận thêm một chút xung quanh cuộc chiến chống tiêu cực này. Nếu chúng ta tiến hành nó với động cơ trong sáng và cầu tiến thì quá tốt, nhưng tôi cũng đồng tình với điều mà NSND Doãn Hoàng Giang từng nói đại ý: Liệu có ai đó nhân lúc “nước sôi lửa bỏng” này để lợi dụng phục vụ mục đích riêng không trong sáng???

. Dù sao thì thể thao Việt Nam vẫn cứ phải tiến lên chứ, thưa ông?

– Đúng vậy. Trách nhiệm của thể thao Việt Nam năm 2006 rất to lớn nhưng cũng hết sức vinh quang. Nếu tiếp tục thành công, đó sẽ là bước ngoặt thực sự cho thấy hướng đầu tư phát triển của chúng ta là đúng đắn và hiệu quả.

Cụ thể, chúng ta có 3 nhiệm vụ: tiếp tục đầu tư cho SEA Games 2007 tại Thái Lan, chuẩn bị tham dự ASIAD tại Doha (Qatar) vào tháng 12/2006 và hướng đến Olympic 2008. SEA Games 2007 lại là một chiến lược nâng tầm các môn cơ bản, đồng thời tiếp tục duy trì thành tích của các môn “mỏ vàng” để đảm bảo số lượng HCV nhằm lọt vào Top 3. Còn ASIAD chúng ta sẽ tính toán tham dự khoảng 18 đến 20 môn, trong đó mục tiêu đặt ra là đoạt từ 4 đến 6 HCV để đứng thứ 13-14 (chí ít cũng phải được như ASIAD 2002). Riêng Olympic 2008, chúng ta phấn đấu có càng nhiều càng tốt số VĐV qua vòng loại bằng “cửa chính” chứ không phải nhờ suất ưu tiên và cố gắng đoạt huy chương

. Nhiệm vụ là như thế, nhưng với thực lực hiện nay, liệu chúng ta có thể hy vọng nhiều hơn?

– Nói chung thành tích của các quốc gia Đông Nam Á, kể cả cường quốc Thái Lan, so với châu Á là rất thấp. Vì vậy, để đoạt được dù chỉ 1 tấm HCV ASIAD cũng đã là rất gian khổ rồi. Nhưng không phải chúng ta không nhìn thấy những “cửa” hy vọng của riêng mình.

Nếu tại Doha, điền kinh, bơi lội, thể dục tham dự chỉ mang tính tiếp cận thành tích cao thì những môn chủ lực để tranh chấp huy chương có thể kể đến thể hình, karatedo, judo, bắn súng, cử tạ, billiards snooker… Còn ở Thế vận hội, đấu kiếm, đua thuyền nhiều hy vọng tham gia cọ xát, trong khi taekwondo hay cử tạ thì chúng ta đang sở hữu một số VĐV nằm trong Top 6 thế giới. Nếu được chăm sóc đúng hướng, họ hoàn toàn có thể vươn lên lọt vào Top 4.

Hiện nay, các VĐV cũng như HLV Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội được trui rèn qua những giải đấu quốc tế. Nhờ vậy mà kinh nghiệm thi đấu cũng như chỉ đạo tăng lên rõ rệt. Khả năng đánh giá đối thủ và “đeo bám” thành tích của khu vực, châu lục đều có độ chính xác cao hơn. Căn cứ vào đó, chúng ta có thể đặt những kế hoạch lớn cho những chương trình thi đấu lớn.

Ngay sau SEA Games 23 chỉ 1 tuần, 300 VĐV ưu tú nhất của chúng ta đã tập trung trở lại để chuẩn bị cho những chiến dịch quan trọng trong thời gian tới. Đại đa số họ đều là thế hệ VĐV trẻ tài năng, còn có thể đóng góp cho nước nhà nhiều năm nữa. Tôi cũng như tất cả những người tâm huyết với thể thao Việt Nam đều đang đặt toàn bộ niềm tin vào lực lượng tinh nhuệ này. Hy vọng là giờ này năm sau, chúng ta lại được ngồi cùng nhau và nói về những chiến công mới.

. Xin cảm ơn ông và chúc thể thao Việt Nam đạt được nhiều thành công hơn nữa trong năm 2006!