Lưu ý của WHO về virus cúm A/H5N2

Trước đó, ngày 17-4, bệnh nhân khởi phát các triệu chứng sốt, khó thở, tiêu chảy, buồn nôn, khó chịu… Đến ngày 24-4, ông nhập viện tại Viện Bệnh hô hấp quốc gia Ismael Cosio Villegas (INER) tại thủ đô Mexico City và qua đời cùng ngày do các biến chứng. 

Bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền và đã nằm liệt giường 3 tuần trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh hô hấp cấp. Có 17 người tiếp xúc với bệnh nhân nhưng không ghi nhận thêm ca bệnh nào trong quá trình điều tra dịch tễ.

Cơ quan y tế Mexico đang điều tra nguồn lây. Gần đây, có những đợt bùng phát virus cúm A/H5N2 ở gia cầm tại bang Mexico, nơi bệnh nhân cư trú và bang Michoacán lân cận. 

“Virus cúm động vật thường lưu hành ở động vật nhưng cũng có thể lây nhiễm sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm” – WHO giải thích, đồng thời nói thêm rằng những trường hợp lẻ tẻ ở người không phải là điều bất ngờ.

Các trường hợp người bị nhiễm các phân nhóm H5 khác bao gồm cúm A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 đã được báo cáo trước đây. 

Bằng chứng dịch tễ học và virus học hiện có cho thấy virus A nhóm H5 từ các sự kiện trước đó không có khả năng duy trì sự lây truyền giữa người với người, do đó khả năng lây lan từ người sang người đối với A/H5N2 hiện nay được đánh giá là thấp. Mặc dù vậy, do tính chất không ngừng phát triển của virus cúm, WHO tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát toàn cầu, chia sẻ các đánh giá rủi ro.