Bài 3: Nghi án của ĐTQG, chuyện “xưa rồi Diễm”

Không phải bây giờ ở cấp đội tuyển quốc gia (ĐTQG) mới có chuyện mua bán độ. Nó đã từng xảy ra trước xì – căng – đan U23 VN bán độ ở SEA Games 23. Từ lời khai nhận ban đầu của 2 tuyển thủ Văn Quyến và Quốc Vượng, cơ quan điều tra (CQĐT) cũng đang giở lại đường dây mua bán độ lớn có liên quan đến nhiều cầu thủ ở các giải khu vực.

“Buông” lộ liễu trên sân nhà

Nghi án đầu tiên được CQĐT quyết định lật lại là vụ một số tuyển thủ U23 VN nghi bán độ ở SEA Games 21 diễn ra tại Malaysia. Theo lời khai của một trùm cá độ đã sa lưới tên Mạnh “bệu”, Đỗ Đức Toàn (tức Toàn “còi”) là anh ruột của Đỗ Thành Tôn, cựu thủ môn đội Công An Hà Nội, đã móc nối với Tô Đức Cường – tiền đạo đội Công An Hải Phòng có mặt trong đội tuyển U23 VN dự SEA Games 21. Bên cạnh Toàn “còi” còn có thêm trùm cá độ khác như Nghiêm Xuân Thành, Linh “ngọng”, Ngọc “râu” âm thầm lần theo bước đi của đội U23 VN sang tận Malaysia. Hậu quả sau đó là 2 trận thua liên tiếp của U23 VN trước Indonesia, Malaysia với một số trụ cột chơi dưới sức mình và thường bị nhiều thẻ phạt không đáng có, đội quân áo đỏ rệu rã từ giã cuộc chơi sớm trong sự ấm ức của người hâm mộ. Còn với băng nhóm Toàn “còi” qua phi vụ này, đã thu vào trên 3 tỉ đồng!

Các cúp quốc tế tại VN cũng bị bán độ, như JVC Cup 2003, cũng từ lời khai của Mạnh “bệu”, LĐBĐ VN đã quyết định kỷ luật treo giò 5 năm đối với cựu trung vệ đội trưởng U23 VN Vũ Như Thành vì có nhiều biểu hiện tiêu cực ở giải này, mà điển hình nhất là hành động kêu đồng đội “buông” trong trận để thua CLB Perak (Malaysia) khiến HLV A. Riedl lúc đó làm căng, dọa rời đội nếu LĐBĐ VN không tìm ra nguyên nhân.

“Bán” Ngay trong trận chung kết

Người ta thường nói “nhà dột từ nóc”, lứa U23 liên tiếp có chuyện, chắc hẳn lứa cầu thủ đàn anh ở ĐTQG không sạch sẽ gì. Nhận định trên có cơ sở bởi nghi án về ĐTQG đã xuất hiện cách đây gần 10 năm. Sau Tiger Cup đầu tiên (năm 1996), với chiếc HCĐ, các tuyển thủ VN được tung hô như người hùng khi trở về nước nhưng ít ai biết là suýt chút nữa có chuyện lớn sau trận hòa 1-1 không thể chấp nhận trước Lào. Sau trận đấu đó, HLV trưởng người Đức K.H Weigang đã nổi cơn giận dữ, đòi trả về nước 4 cầu thủ trụ cột khi chỉ mặt nhóm cầu thủ này và hét to: “Các anh bán với giá bao nhiêu?”.

Dù nghi án này không có nhiều cơ sở, nhưng mới đây, khi CQĐT mở rộng hồ sơ của Toàn “còi”, đã phát hiện thêm sự xuất hiện của Thắng “tài dậu”- một tay trùm cá độ cỡ bự vốn có mối quan hệ thân thiết với băng nhóm Năm Cam, hiện đang lẩn trốn ở nước ngoài. Thắng “tài dậu” có sự giao hảo trên mức thân tình với nhiều cầu thủ nổi tiếng, trong đó có số cầu thủ mà HLV Weigang từng điểm mặt tại Tiger Cup 1996. Thông tin này có cơ sở khi trong những ngày qua CQĐT thẩm vấn các cầu thủ bán độ tại SEA Games 23 đã phát hiện mối quan hệ mật thiết giữa Thắng “tài dậu” với Hữu Thắng và H.S.

Chắc chắn những ai yêu bóng đá VN vẫn còn ấm ức về trận thua tức tưởi 0-1 của ĐTQG trước Singapore ngay trong trận chung kết Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy, sau pha ghi bàn bằng lưng của một trung vệ Sasikurma-Singapore. Ngay sau trận đấu, một số tuyển thủ VN đã to tiếng cãi vã nhau, thậm chí còn dọa nhờ xã hội đen can thiệp. Một nhóm cầu thủ chửi thẳng vào mặt một nhóm cầu thủ khác cùng thi đấu trong màu áo CLB là “tụi mày bán độ”. Nhưng rồi sau đó mọi việc lại nhanh chóng rơi vào quên lãng.

“Mày đập bể nồi cơm của anh em”Thật ra, chuyện ĐTQG bị nghi bán độ trên sân nhà đã xuất hiện trước đó 1 năm. Tại vòng loại World Cup 1998, ở trận ra quân gặp Trung Quốc trên sân Thống Nhất, Huỳnh Đức xuất sắc rút ngắn tỉ số xuống còn 1-3 cho ĐTQG VN. Không ngờ bàn thắng danh dự đó khiến giới cá độ bắt VN thua với cách biệt 3 bàn thất điên bát đảo. Hậu quả là một số đồng đội đã chửi Đức rằng “mày đá bể nồi cơm của anh em”! Chính vì thế, không có ai bất ngờ khi ĐTQG VN sau đó thua 2 trận liên tiếp với tỉ số 0-4 trước Turkmenistan và Tadjikistan. Đó là 2 trận thua “trả nợ” để giới làm độ và một vài trụ cột của ĐTQG “gỡ gạc”…