Phan Văn Tài Em: “ngọc trong đá”

Đặc biệt, trong những ngày tăm tối bao trùm bóng đá VN gần đây nó lại càng tỏa sáng hơn nữa.

Tại LG Cup 2002 diễn ra ở TP.HCM, HLV trưởng đội tuyển VN lúc ấy là ông Calisto đã trở thành tấm bia hứng đạn từ dư luận. Nguyên nhân là do không ai chịu được cái anh chàng “Hai Lúa” mang tên Tài Em vừa xấu trai, cục mịch lại vừa đá đấm chẳng ra gì.

Dư luận khi đó ầm ĩ những chuyện đại loại như: trong chuyến tập huấn tại Trung Quốc tiền vệ Vũ Minh Hiếu đã phản ứng ra mặt với Calisto khi phải ngồi dự bị cho anh chàng nhà quê Tài Em. Ngay nhiều nhà chuyên môn thận trọng trong lời ăn tiếng nói cũng đã lên tiếng cho rằng: “Trường Giang, Xuân Thành thì được, chứ Tài Em thì không thể chấp nhận”! Dư luận khẳng định ông Calisto đã đem đệ tử của mình ở Gạch Đồng Tâm (GĐT) vào đội tuyển mà bất cần đến tài năng.

“Thợ kim hoàn” Calisto

Nhưng, chỉ vài tháng sau Tài Em đã làm cho cả làng bóng VN mắt chữ “I” mồm chữ “O” vì bất ngờ thể hiện tài năng trên cả tuyệt vời tại Tiger Cup 2002.

Kể từ đó, tại đội tuyển quốc gia hay U-23, Tài Em luôn là lựa chọn số 1 dù cho đó là Tavares hay Riedl. Thậm chí ở SEA Games 23 dù Tài Em chưa tìm lại được phong độ tốt như năm ngoái do chấn thương, nhưng rõ ràng ở làng bóng VN cũng không ai hơn được anh ở cùng vị trí trên sân cỏ.

Câu chuyện của Tài Em đã trở thành một giai thoại của ông Calisto. Nói không quá, qua Tài Em, ông Calisto là một thợ kim hoàn bậc thầy nhờ khả năng nhìn được cái chất ngọc trong tảng đá xấu xí mà không ai thấy được. Ngày ấy, nếu không phải là một Calisto “lì đòn” với dư luận, chắc chắn Tài Em không còn con đường nào khác là trở lại GĐT và giỏi lắm thì cũng chỉ như người anh Văn Giàu của mình – sáng không sáng, tối không tối!

Người làm sao thì trên sân là vậy. Bản chất của chàng trai xuất thân từ đồng ruộng miền sông nước Cửu Long là rụt rè, e thẹn, “ăn không nên đọi, nói không nên lời”. Phải nhờ đến Calisto, Tài Em mới dần dần trở nên tự tin, vững chắc hơn trên sân bóng. Ưu điểm của Tài Em là cày, cày không biết mệt trên sân cỏ, trong lúc tập luyện cũng như thi đấu.

Tài Em bồi hồi nhớ lại: “Lúc ấy thầy Calisto chọn ba cầu thủ của GĐT vào đội tuyển, gồm Nguyễn Nhân, Thanh Xuân và tôi. Dư luận lúc ấy chê bọn tôi dữ lắm. Thầy Calisto đã gọi cả ba đứa lại và bảo rằng ông đánh giá chúng tôi có khả năng, nhưng dư luận thì không tin điều ấy. Vậy thì bản thân từng người phải chứng minh được mình. May mắn thay, trong ba người, tôi đã trụ được”.

Trong lời tâm sự này, Tài Em chỉ sai duy nhất một chi tiết, đó là từ “may mắn”! Bởi anh chẳng may mắn gì cả, mà đó là kết quả tất yếu của một cầu thủ có khả năng, cộng thêm vào đó là sự nỗ lực vô biên. Ngày ấy, trong đội tuyển người ta bảo “chú Mười (tên thường gọi của Tài Em) tập như trâu”!

Ừ, thì là trâu đấy. Trâu chẳng phải là người bạn của nông dân à, mà Tài Em có bao giờ chối bỏ mình là nông dân chính hiệu đâu!

Nhưng, cái tính cách ấy cũng chỉ là một phần mà theo nhà nông thì: hạt giống tốt chưa đủ mà còn tùy thuộc vào đất trồng.

Biết bằng lòng với cái mình có

Tài Em đã may mắn được nuôi dưỡng trong một môi trường tốt. Đầu tiên, đó là một ông thầy Calisto cương quyết nói “không” với tiêu cực. Ông bảo chỉ cần một lần thỏa thuận với tiêu cực (đó là xin, cho, nhường điểm; chỉ đạo cầu thủ đá không hết mình) thì người HLV sẽ lập tức trở thành con số không trong mắt VĐV.

Và nếu “ông chủ” bầu Thắng chỉ cần thốt lên một lời chỉ đạo phải cho, phải nhường, hay phải đi xin xỏ ai đó là ngay lập tức ông về nước. Bầu Thắng cũng được ưu điểm là “thà xuống hạng chứ không bao giờ bôi bẩn bóng đá”. Cho đến giờ này, đội GĐT vẫn là môi trường tuyệt vời để Tài Em nuôi dưỡng bản chất tốt đẹp của mình. Anh bảo: “Tôi luôn bằng lòng với những gì mình đang có”.

Khi GĐT mời bác sĩ Bồ Đào Nha chuyên trị chấn thương thể thao qua VN, Tài Em thấy các cựu cầu thủ đội Long An (như Văn Cao, Thúc Vũ, Ngọc Quý, Tử Vững) bị các chấn thương ngày xưa hành hạ nên đã cám cảnh đề nghị: “Em sẽ xin anh Thắng cho các anh đến gặp bác sĩ kiểm tra và nếu cần thì mổ. Chuyện tiền bạc nếu anh Thắng cho thì tốt, còn không thì em lo luôn”.

Bầu Thắng kể lại chuyện này với vẻ cảm động: “Mình nghe Tài Em nói và thật sự hài lòng về cái tình cảm của cậu ấy đối với những đàn anh đi trước. Vì thế, mình chẳng tiếc gì chuyện chi phí cho các cầu thủ đã giải nghệ chạy chữa chấn thương, chứ ai lại để Tài Em phải chịu. Với một người sống có trước có sau như Tài Em, mình tin lắm…”.

Ngày nay, dù đã trở thành một cầu thủ lớn của bóng đá VN và là đội trưởng đội tuyển U-23 của quốc gia, nhưng Tài Em chẳng bao giờ quên cái sân bóng là khoảnh ruộng sau mùa gặt ở xã An Lục Long thời thơ ấu. Anh đã trở thành ông bầu vui tính, phóng khoáng với đội bóng đá phong trào ở xã nhà lẫn đội bóng của các cựu tuyển thủ Long An. Trang phục thi đấu của hai đội này, cái nào đi xin được thì xin, còn không Tài Em tự bỏ tiền túi ra lo chu toàn.

Tình cảm là thế, sống có trước có sau là thế, và chú Mười còn là Lục Vân Tiên trước những chuyện tiêu cực. Trước SEA Games 22, đội tuyển U-23 cũng đã một lần eo xèo chuyện Vũ Như Thành. Và hồi ấy, Tài Em cũng đã tỏ thái độ hết sức cương quyết. Lần này cũng vậy, sự dũng cảm của anh đã giúp lôi ra ánh sáng những cầu thủ đen tối của đội U-23 VN.

Hôm Tài Em làm việc xong với cơ quan điều tra, chúng tôi hỏi anh có sợ không? Anh cười, nói ngắn gọn: “Mình có làm sai đâu mà sợ”.

Tài Em là thế, ăn nói hết sức nhát gừng, cụt lủn. Điều anh sợ nhất là những bài báo phỏng vấn mình trơn tuột, bóng bẩy, không đúng bản chất của anh…