Dẫu khép lại SEA Games 23 với vị trí nhất toàn đoàn, nhưng người Philippines vẫn không nuốt trôi được vị đắng khi trắng tay ở môn thể thao trí tuệ. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi báo chí Philippines vẫn tiếp tục mổ xẻ thất bại của cờ vua Philippines, dù SEA Games 23 đã kết thúc gần một tuần nay.
Thắng nhờ sức trẻ.- Có điều trùng khớp giữa câu hỏi của báo chí Philippines với sự tò mò của giới hâm mộ cờ vua VN: Tại sao các kỳ thủ VN lại tạo được một chiến công oanh liệt như thế ngay trên đất Philippines? Ông Đặng Tất Thắng, Tổng Thư ký Liên đoàn Cờ VN, thừa nhận việc giành trọn bộ 8/8 HCV môn cờ vua SEA Games 23 là điều nằm ngoài dự kiến. Trước SEA Games 23, chỉ tiêu của đội tuyển cờ vua VN là đoạt 4 HCV, trong đó tập trung vào các nội dung của nữ. Đó là chỉ tiêu vừa sức, bởi dù có đến 1 năm chuẩn bị lực lượng nhưng khoản kinh phí xấp xỉ 2 tỉ đồng đổ ra cho các kỳ thủ chưa “thấm vào đâu” so với mức đầu tư của người Philippines dành cho các kỳ thủ của họ.
Ông Thắng khẳng định yếu tố cơ bản nhất tạo nên chiến thắng oanh liệt của cờ vua VN ở SEA Games 23 là nhờ bộ môn này tin vào sức trẻ, trí tuệ trẻ. 10/15 kỳ thủ VN dự SEA Games 23 dưới 20 tuổi. Bởi vậy, sự dẻo dai, nhanh nhạy chính là yếu tố đặc biệt tạo nên thành công. Ông Thắng nói: “Các kỳ thủ Philippines già dặn, kinh nghiệm, nhưng lịch thi đấu của SEA Games 23 vô tình đã hại họ. Mật độ 2 trận/ ngày là lợi thế cho các kỳ thủ VN, bởi các VĐV trẻ tuổi của VN có sự chịu đựng dẻo dai, nhanh nhạy hơn. Thi đấu với một áp lực căng thẳng như thế thì sức trẻ là yếu tố quyết định thắng lợi”.
Coi chừng Sớm nở, tối tàn!.- Cách lý giải của ông Thắng có phần khiêm tốn, bởi dẫu sao cờ vua VN cũng có một vị trí tương đối vững chắc trong khu vực. Cái khó đặt ra cho những người quản lý môn thể thao trí tuệ này là phải duy trì được thành công ở SEA Games 24 sắp tới và đặc biệt hơn, phải vươn lên một tầm cao mới trong làng cờ thế giới.
Đâu là vấn đề mắc mứu nhất? “Thiếu tiền”, ông Thắng đáp không ngại ngần. Bởi lẽ tuy là một môn có vị trí cao trong làng thể thao VN, thậm chí VĐV số 1 của thể thao VN năm 2004 là một kỳ thủ (Nguyễn Ngọc Trường Sơn), nhưng cờ vua dường như vẫn bị… lãng quên. Chi phí dành do Liên đoàn Cờ VN hoạt động mỗi năm là khoảng 60.000 USD, chưa đủ để gồng gánh các hoạt động văn phòng. Do chi phí hạn hẹp, liên đoàn không thể hỗ trợ kỳ thủ nên lâu nay các kỳ thủ VN thường “sáng” lúc nhỏ để rồi cứ tàn lụi dần theo thời gian.
Ông Thắng nói: “Với sức cờ và vị trí trên làng cờ vua thế giới hiện nay của Trường Sơn, Quang Liêm, nếu được đầu tư khoảng 100.000 USD/năm/người, 2 kỳ thủ này đủ sức lọt vào top 10 kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới. Mức đầu tư này chỉ là “muối bỏ bể” so với mức đầu tư cờ vua thế giới (có kỳ thủ Anh được đầu tư 1 triệu USD/năm), nhưng là con số mơ ước của làng cờ VN. Bởi lẽ, chi phí tập huấn của Trường Sơn, Quang Liêm trong suốt 2 năm qua chỉ là… 1.000 USD/tháng, vậy nên sức cờ không thể bứt lên so với khả năng thực của những kỳ thủ này”.