Một số quan chức nói với tờ The Telegraph rằng lính Mỹ sẽ đổ bộ tại một trong năm cảng và di chuyển dọc theo các tuyến đường hậu cần đã được lên kế hoạch từ trước, trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp với Nga.
Những tuyến đường hậu cần trở thành ưu tiên hàng đầu kể từ khi giới lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đồng thuận chuẩn bị 300.000 quân luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao để bảo vệ liên minh tại hội nghị thượng đỉnh ở TP Vilnius (Lithuania) vào năm ngoái.
Theo các kế hoạch hiện tại, quân đội Mỹ đổ bộ vào các cảng của Hà Lan trước khi lên các chuyến tàu chuyển quân qua Đức và tiếp tục tới Ba Lan.
Trong trường hợp Nga – NATO xảy ra xung đột, quân đội Mỹ sẽ được chuyển đến cảng Rotterdam (Hà Lan) trước khi di chuyển về phía Đông.
Tuy nhiên, các thỏa thuận cũng đang được âm thầm thực hiện để mở rộng các tuyến đường đến các cảng khác nhằm bảo đảm liên lạc trên mặt đất không bị lực lượng Nga cắt đứt.
Trung tướng Alexander Sollfrank, người đứng đầu Bộ chỉ huy kích hoạt hỗ trợ chung (JSEC) của NATO, nói với The Telegraph: “Ukraine hứng chịu rất nhiều từ các cuộc tấn công tên lửa tầm xa của Nga vào các hệ thống hậu cần”.
Nếu lực lượng NATO tiến vào từ Hà Lan bị Nga bắn phá hoặc các cảng Bắc Âu bị phá hủy, liên minh này sẽ chuyển trọng tâm sang các cảng ở Ý, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ các cảng của Ý, quân đội Mỹ có thể được đưa đi bằng đường bộ qua Slovenia, Croatia tới Hungary, quốc gia có chung biên giới với Ukraine.
Nhiều kế hoạch tương tự cũng được đưa ra nhằm vận chuyển lực lượng từ các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp qua Bulgaria và Romania để tiếp cận sườn phía Đông của NATO.
Ngoài ra cũng có dự tính chuyển quân qua các cảng ở vùng Balkan, cũng như qua Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan.
Trên các hành lang này, quân đội các quốc gia sẽ không bị hạn chế bởi các quy định của địa phương và sẽ được tự do vận chuyển các lô hàng mà không bị hạn chế thông thường.
Trước đây, chính phủ Pháp từng phàn nàn rằng xe tăng của nước này bị mắc kẹt ở biên giới nước ngoài bởi các quy trình quan liêu trong nỗ lực cố gắng triển khai ở Romania.
Trong 5 năm qua, JSEC đã thực hiện các cuộc đánh giá để khám phá các tuyến đường khác nhau có thể được sử dụng để chuyển quân, một khi tình huống xấu nhất xảy ra.
Các cảng ở Bắc Âu, như Hà Lan, Đức và các nước Baltic được coi là đặc biệt dễ bị tấn công bằng tên lửa của Nga.
Trả lời phỏng vấn ngày 3-6 của trang Bloomberg, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Na Uy, tướng Eirik Kristoffersen, cho rằng thời gian để NATO chuẩn bị cho kịch bản xung đột với Nga đang giảm đi đáng kể.
Tướng Kristoffersen nói: “Từng có người cho rằng còn 10 năm nữa để chuẩn bị. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng tôi còn chưa đến 10 năm vì nền tảng công nghiệp của Nga đang phục hồi nhanh”. Theo ông, NATO chỉ còn 2-3 năm tới để xây dựng lại lực lượng của mình, xây dựng lại nguồn dự trữ song song với việc hỗ trợ Ukraine.