Ngày 2-8, tại TP HCM, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật (SPS) Việt Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm TP HCM tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Liên quan đến các cảnh báo về sản phẩm thực phẩm, nông sản từ thị trường châu Âu, TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thông tin trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có 57/2.708 cảnh báo, chiếm tỉ lệ 2,1%. Đây vẫn là tỉ lệ thấp khi nhiều nước có tỉ lệ cảnh báo lên đến 6%.
Trong khi năm 2023, Việt Nam chỉ nhận 67 cảnh báo từ châu Âu thì số lượng cảnh báo năm nay cũng đáng suy ngẫm, cần phải có biện pháp kéo giảm các cảnh báo.
Các mặt hàng bị cảnh báo có nguồn gốc thực vật như: thanh long, ớt, quế, đậu bắp, chôm chôm, rau gia vị; thủy sản: cá, mực, tôm, ếch, ngao…; các sản phẩm chế biến như: tinh dầu húng quế, mứt dừa, bánh phở…
Trọng lượng các lô hàng bị cảnh báo từ 20 kg đến 24 tấn, đa số dưới 1 tấn. Riêng thanh long có 7 lô hàng từ 444 kg – 1,8 tấn; ớt gần 10 lô hàng 38 kg – 6,37 tấn và châu Âu đã nâng tần suất kiểm tra với 2 mặt hàng này.
“Những lô vi phạm rất ít so với tổng khối lượng xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam nhưng tác động không nhỏ. Chỉ cần không kiểm soát 1 lô hàng nhỏ cũng ảnh hưởng đến cả toàn ngành” – ông Nam nói.
Về thống kê địa phương có doanh nghiệp bị cảnh báo, TP HCM dẫn đầu với 23 cảnh báo (chiếm 40%), Khánh Hòa, Tiền Giang, TP Hà Nội có từ 4-6 cảnh báo, còn lại mỗi tỉnh chỉ có 1 cảnh báo.
“Qua truy xuất nguồn gốc, có thể nguyên liệu từ địa phương khác nhưng doanh nghiệp chịu trách nhiệm đặt tại TP HCM” – ông Nam giải thích.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, thông tin các doanh nghiệp trong ngành thời gian qua bị cảnh báo một số chỉ tiêu liên quan đến vi sinh vật, kim loại nặng, hóa chất,…
“Khi có thông tin cảnh báo, cơ quan nhà nước vào cuộc truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận trên tinh thần hỗ trợ, hướng dẫn cách khắc phục thay vì cách nhìn nhận dành cho 1 doanh nghiệp có vi phạm” – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam kiến nghị.