Thông báo trên do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra.
Theo đài CNN, các lệnh trừng phạt mới được áp đặt vào ngày 23-2, một ngày trước cột mốc 2 năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (ngày 24-2-2022).
Đây là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm trừng phạt Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng.
Phát biểu hôm 20-2, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết các lệnh trừng phạt mới của Washington sẽ là một “gói trừng phạt đáng kể”, bao gồm nhiều yếu tố liên quan đến cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga và các nguồn doanh thu cho nền kinh tế Nga.
Tổng thống Joe Biden hôm 22-2 nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “phải chịu trách nhiệm” về cái chết của ông Navalny. Bình luận này được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra sau khi ông gặp vợ và con gái của ông Navalny ở San Francisco.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, gói trừng phạt mới đối với Nga được thảo luận trước cái chết của ông Navalny và được bổ sung sau khi thủ lĩnh đối lập Nga qua đời. Giới chức Washington đã phối hợp với các đối tác châu Âu để thực hiện gói trừng phạt này.
Mỹ cùng với các chính phủ phương Tây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt chống lại Nga trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chúng chỉ gây ra tác động lên nền kinh tế của Nga mà không ngăn được Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt bên nước láng giềng.
Cùng ngày 23-2, Hội đồng châu Âu (EC) thông báo Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 13 chống lại Nga.
Gói trừng phạt nhắm vào 106 cá nhân và 88 thực thể, chủ yếu trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng và tư pháp.
Các biện pháp chống lại những người và tổ chức được liệt kê bao gồm phong tỏa tài sản và cấm đi lại. EU cũng cấm công dân và công ty của khối này cung cấp tiền cho các đối tượng bị trừng phạt.