Bước lùi giữa hai miền Triều Tiên

Những gì xảy ra giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc trong thời gian gần đây đã hủy hoại hoàn toàn thành quả quan hệ song phương có được từ sau chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi năm 2018. 

Kết quả quan trọng và nổi bật nhất của sự kiện rất hiếm hoi này là hai bên ký kết Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) với nội dung chính là cam kết chấm dứt hoàn toàn sự thù địch lẫn nhau.

Tháng 11 năm ngoái, Hàn Quốc tuyên bố ngừng thực hiện một số nội dung trong thỏa thuận nói trên để phản đối việc Triều Tiên phóng tên lửa đưa vệ tinh do thám lên quỹ đạo. Sau đó, Triều Tiên còn đi xa hơn khi tuyên bố ngừng thực thi CMA.

 Vừa mới đây, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc khuyến nghị chính phủ có động thái tương tự và tái khởi động hệ thống âm thanh khổng lồ dọc giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền để khôi phục hoạt động chiến tranh tâm lý và tuyên truyền nhằm vào công chúng và dư luận ở Triều Tiên.

Bước đi này diễn ra sau khi Triều Tiên cho thả hơn 700 quả bóng bay khổng lồ chứa rác thải sang Hàn Quốc. Cho dù phía Triều Tiên đã tuyên bố ngừng cái gọi là “cuộc chiến bóng bay”, một tổ chức tư nhân ở Hàn Quốc đã nối lại việc dùng bóng bay lớn và khinh khí cầu mang truyền đơn và USB chứa nhạc K-pop thả sang phía Triều Tiên.

Có thể thấy mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã bị đẩy lùi, thậm chí đảo ngược về trước năm 2018. Nguyên cớ có thể thấy được ở cả hai phía và đương nhiên bên này đổ lỗi cho phía kia. 

Ở phía Triều Tiên, nguyên cớ là việc nước này liên tục phóng tên lửa và đưa vệ tinh lên quỹ đạo, dù thành công xen lẫn thất bại. 

Với Hàn Quốc, nguyên cớ là sự thay đổi tổng thống từ ông Moon Jae-in sang ông Yoon Suk-yeol. Quan điểm, chính sách của ông Yoon đối với Triều Tiên, Nhật Bản và Mỹ khiến Bình Nhưỡng vừa rất không hài lòng vừa quan ngại sâu sắc và dè chừng.

Tổng thống Yoon Suk-yeol theo đuổi đường lối cứng rắn đối với Triều Tiên chứ không ôn hòa như người tiền nhiệm, song song đó là hòa giải với Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ liên minh quân sự chiến lược truyền thống với Mỹ, lại còn cùng Mỹ và Nhật Bản hình thành liên minh an ninh ba bên. 

Cả Mỹ và Nhật Bản đều đối địch và căng thẳng với Triều Tiên. Hai nước trên bán đảo Triều Tiên ứng xử và hành động như thế thì quan hệ song phương không xung khắc và đối địch mới là chuyện lạ. Chút ít tin cậy gây dựng được không còn đường nào khác ngoài nhanh chóng đổ vỡ và chiều hướng diễn biến là quay về quá khứ.

Không chỉ Hàn Quốc, cả Mỹ và Nhật Bản đều rất lo ngại khi thấy Triều Tiên thúc đẩy rất mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương với Trung Quốc và Nga thời gian gần đây. 

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã giúp cho Bình Nhưỡng trở thành đối tác và đồng minh rất quan trọng của Moscow. Đương nhiên, sự ủng hộ của Nga dành cho Triều Tiên trong cuộc đối đầu với Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản cũng gia tăng đáng kể. Từ đó có thể thấy thời kỳ căng thẳng giữa hai miền trên bán đảo sẽ còn kéo dài.