Nắng nóng bủa vây Đông Nam Á

Trong khi đó, một số địa phương, trong đó có có thủ đô Bangkok, nhiệt độ cao nhất trong ngày 1-4 dao động từ 38 đến 42 độ C.

Đáng chú ý, theo tờ The Bangkok Post, hầu hết các tỉnh miền Bắc còn có chỉ số bụi mịn PM2.5 ở mức cao nguy hiểm trong ngày đầu tháng 4. Trong số này, Chiang Mai được đánh giá là thành phố có tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới vào sáng cùng ngày.

Trong bối cảnh như thế, ông Seree Suparathit, Giám đốc Trung tâm Biến đổi khí hậu và thiên tai – ĐH Rangsit (Thái Lan), vừa cảnh báo nếu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu không được thực thi hiệu quả, Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi nắng nóng so với các khu vực khác. 

Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, Thái Lan có thể phải đối mặt với thời tiết cực kỳ nóng bức lên đến 220 ngày mỗi năm trong khoảng 20 năm nữa.

Trong khi đó, nhà chức trách Malaysia cũng đang triển khai các biện pháp khẩn cấp để đối phó đợt nắng nóng ngày càng tồi tệ sau khi nhiệt độ nhiều khu vực lên tới gần 40 độ C, đe dọa sức khỏe người dân và năng suất cây trồng.

Theo trang Bloomberg, Cục Khí tượng Malaysia dự báo thời tiết khô nóng hiện nay sẽ kéo dài đến giữa tháng 4. Bộ Tài nguyên và Môi trường Malaysia đang sử dụng máy bay không người lái để giám sát các vùng đất than bùn dễ bắt lửa và theo dõi mực nước đang giảm dần trong các con đập. Ngoài ra, chính phủ cũng tìm cách bảo vệ công nhân xây dựng làm việc nhiều giờ dưới nắng nóng.

Còn tại Philippines, nhiều thành phố như Bago, Iloilo, Bacolod, Silay… đã phải cho học sinh một số cấp lớp nghỉ hoặc học trực tuyến trong ngày 1 và 2-4. 

Theo Cục Quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PAGASA), 4 khu vực ở nước này đang hứng chịu nhiệt độ nguy hiểm (có thể dao động từ 42 đến 51 độ C).

Người dân Indonesia cũng phải chật vật đối phó với tác động tiêu cực của thời tiết khô nóng, trong đó có tình trạng thiếu hụt gạo khiến giá tăng cao. 

Năm ngoái, thời tiết tương đối nóng do hiện tượng El Nino và mùa khô kéo dài tại một số vùng ở Indonesia khiến sản lượng lúa gạo giảm 18%. Năm nay, theo Reuters hôm 1-4, Indonesia dự kiến bước vào mùa khô vào tháng tới và đã xuất hiện nỗi lo giá gạo có thể còn tăng.