Theo đánh giá vừa được Cơ quan Tình báo quốc phòng Lầu Năm Góc đưa ra, các cuộc tấn công đã ảnh hưởng đến ít nhất 65 quốc gia, buộc ít nhất 29 công ty vận tải và năng lượng phải chuyển sang các tuyến đường vòng qua châu Phi.
Việc này khiến mỗi hành trình tăng thêm khoảng 20.400 km, từ đó tăng chi phí nhiên liệu khoảng 1 triệu USD – theo trang Bloomberg.
Mối đe dọa từ Houthi đã làm gia tăng căng thẳng đối với hoạt động vận tải biển toàn cầu giữa lúc kênh đào Panama bị hạn hán. Mỹ và Anh đã tiến hành nhiều cuộc không kích các cơ sở của Houthi ở Yemen nhằm hạn chế khả năng tấn công tàu thuyền ở biển Đỏ của lực lượng này.
Các biện pháp trừng phạt cũng được thực thi nhằm làm suy yếu nguồn tài chính của Houthi. Tuy nhiên, các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn và tác động kinh tế ngày càng nghiêm trọng.
Ngày 28-6, phòng máy trên tàu chở hàng MV Tutor của Hy Lạp đã bị ngập nước nghiêm trọng sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Houthi.
Trước đó một ngày, một tàu chở hàng nhỏ cũng bốc cháy sau khi bị tấn công. Căng thẳng ở biển Đỏ cũng khiến hoạt động cứu trợ quốc tế cho Sudan và Yemen bị chậm trễ nhiều tuần do các tàu phải đi đường vòng qua châu Phi.
Trong động thái gia tăng sức ép lên Houthi, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 27-6 đã thông qua nghị quyết lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của Houthi nhằm vào hoạt động vận tải ở biển Đỏ và yêu cầu chấm dứt hành động này.
Theo trang UN News, nghị quyết cũng yêu cầu Houthi lập tức thả tàu Galaxy Leader cùng thủy thủ đoàn bị bắt giữ vào tháng 11-2023.