Sứ mệnh Hằng Nga 6 vượt thử thách lớn

Trong một tuyên bố cùng ngày, Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc cho biết mục tiêu của sứ mệnh là tàu Hằng Nga 6 thu thập 2 kg mẫu vật trong 2 ngày và mang chúng về trái đất, dự kiến vào cuối tháng 6.

Nếu mọi chuyện diễn ra như kế hoạch, lượng mẫu vật kể trên sẽ cung cấp cho Trung Quốc thông tin về lịch sử 4,5 tỉ năm của mặt trăng và manh mối mới về quá trình hình thành của hệ mặt trời. 

Chúng còn cho phép so sánh giữa vùng tối và vùng sáng của mặt trăng, điều chưa từng thực hiện. Phòng thí nghiệm mô phỏng sứ mệnh Hằng Nga 6 sẽ phát triển và xác minh chiến lược lấy mẫu vật cũng như quy trình kiểm soát thiết bị, theo Tân Hoa Xã.

Theo Reuters, đây là lần thứ hai tàu vũ trụ Trung Quốc đáp thành công xuống vùng tối của mặt trăng. Khu vực này có các miệng hố sâu và tối, khiến hoạt động liên lạc và hạ cánh của robot trở nên khó khăn hơn.

 Thành tựu của Hằng Nga 6 giúp nâng cao vị thế cường quốc vũ trụ của Trung Quốc trong cuộc đua toàn cầu lên mặt trăng. Một số quốc gia đang hy vọng khai thác khoáng sản mặt trăng để duy trì sứ mệnh phi hành gia dài hạn và xây căn cứ trên đó trong vòng 10 năm tới.

Chiến lược mặt trăng của Trung Quốc gồm tham vọng đưa phi hành gia đầu tiên lên đó vào năm 2030 trong một chương trình có Nga là đối tác. Trong khi đó, chương trình Artemis của Mỹ lên kế hoạch đưa phi hành gia lên bề mặt mặt trăng vào cuối năm 2026 hoặc sau đó. 

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã hợp tác với các cơ quan vũ trụ, như của Canada, châu Âu và Nhật Bản… Phi hành gia của các cơ quan này sẽ tham gia một sứ mệnh của Artemis trong tương lai.