Mịt mờ thời điểm FED hạ lãi suất

Trong cuộc họp hôm 1-5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định duy trì lãi suất ở mức 5,25%-5,5%. Đây là mức lãi suất cao nhất trong 23 năm qua, được giữ nguyên từ tháng 7-2023.

Theo đài CNN, hồi tháng trước, Chủ tịch FED Jerome Powell lần đầu thừa nhận đà giảm của lạm phát đã chững lại, chưa trên đà giảm xuống mức mục tiêu 2%. 

Tiếp tục nhấn mạnh vấn đề này trong cuộc họp hôm 1-5, ông Powell cho biết các số liệu về lạm phát cao hơn kỳ vọng và có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để các quan chức FED cảm thấy đủ tự tin cắt giảm lãi suất. 

Báo cáo về lạm phát đáng thất vọng không chỉ kéo giảm khả năng FED hạ lãi suất vào mùa hè mà còn làm dấy lên những tranh cãi về kịch bản FED tăng thêm lãi suất.

Tuy nhiên, ông Powell trấn an thị trường rằng khó có khả năng FED tăng lãi suất. Hiện vẫn chưa rõ thời điểm FED bắt đầu hạ lãi suất nhưng Chủ tịch Powell cho biết có nhiều kịch bản dẫn đến quyết định trên, bao gồm trường hợp lạm phát tiếp tục chậm lại trong khi cả nền kinh tế và thị trường việc làm của Mỹ vẫn mạnh mẽ. 

Theo ông, một nền kinh tế mạnh mẽ liên tục cùng với lạm phát chững lại chỉ khiến FED trì hoãn việc cắt giảm lãi suất nhưng nếu thị trường lao động bất ngờ suy yếu, đợt cắt giảm lãi suất lần đầu có thể được đẩy nhanh. Dù vậy, ông giữ im lặng khi được hỏi về dự báo FED sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024.

Trong khi đó, các nhà kinh tế đánh giá cả lạm phát và nền kinh tế Mỹ nói chung sẽ hạ nhiệt hơn nữa trong nửa cuối năm nay. 

Lãi suất tăng cao, tiền tiết kiệm từ đại dịch giảm dần, người Mỹ đang gánh khoản nợ thẻ tín dụng, song song đó, lạm phát vẫn ở mức cao tiếp tục ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. Tất cả những điều đó dự kiến sẽ kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong những tháng tới.

Các nhà phân tích tại những ngân hàng lớn của Mỹ đã đưa ra nhiều suy đoán về thời điểm FED giảm lãi suất lần đầu tiên. Cụ thể, JPMorgan và Goldman Sachs dự báo lần giảm đầu tiên là tháng 7 trong khi Wells Fargo đoán tháng 9 và Bank of America cho rằng là tháng 12.

Phản ứng sau quyết định của FED, giá vàng được giao dịch quanh ngưỡng 2.300 USD/ounce. Kim loại quý này đã phản ứng tích cực khi FED hạ thấp khả năng tăng lãi suất và nghiêng về kịch bản nới lỏng chính sách tiền tệ. 

Nhà sáng lập Công ty nghiên cứu SS WealthStreet (Ấn Độ) Sugandha Sachdeva nhận định giá vàng sẽ tăng trở lại mức 2.400 USD/ounce. 

Trong khi đó, giá dầu Brent dao động quanh ngưỡng 84,02 USD/thùng và giá dầu WTI là 79,53 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 2-5. Theo hãng tin Reuters, Mỹ đã công bố mục tiêu bổ sung Kho Dự trữ Dầu mỏ chiến lược (SPR) với giá từ dưới 79 USD/thùng, sau khi bán ra số lượng dầu cao kỷ lục vào năm 2022.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hôm 2-5 nhận định nền kinh tế toàn cầu có thể tránh được suy thoái trong năm nay nhưng sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể nếu xung đột leo thang ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng mạnh. 

Các nhà kinh tế OECD cảnh báo nếu các tuyến đường vận chuyển gián đoạn nghiêm trọng, khiến giá dầu tăng 25% từ mức 85 USD/thùng thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,4 điểm %; cùng lúc tỉ lệ lạm phát sẽ tăng thêm 1 điểm % và các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất thêm 0,5 điểm %.