Đối thoại Shangri-La (SLD) năm nay khai mạc tại Singapore hôm 31-5 và kéo dài đến ngày 2-6. Theo TTXVN, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến dẫn đầu tham dự hội nghị.
Được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, trụ sở ở Anh), sự kiện thường niên này thu hút giới lãnh đạo các nước, các bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh quân đội, nhà ngoại giao, chuyên gia an ninh, học giả… từ khắp nơi trên thế giới. Năm nay, khoảng 600 đại biểu từ gần 50 quốc gia thảo luận về các vấn đề an ninh ở châu Á, trong đó có biển Đông, Đài Loan (Trung Quốc), Triều Tiên…
Ngoài ra, quan hệ Mỹ – Trung Quốc, xung đột Nga – Ukraine và khủng hoảng Dải Gaza là những chủ đề được nói đến nhiều.
SLD 2024 có tổng cộng 7 phiên họp toàn thể và 6 phiên họp đặc biệt. Trong ngày 31-5, các đại biểu tham dự 3 phiên họp đặc biệt, xoay quanh các chủ đề “Sự răn đe và trấn an ở châu Á – Thái Bình Dương”; “Hợp tác quốc phòng và an ninh các nước nhỏ”; “Myanmar: Các cơ hội ngoại giao trong bối cảnh tầm nhìn khác nhau về hòa bình”.
Ngoài ra, theo đài NHK, một phiên họp đặc biệt được tổ chức để thảo luận chuyện hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển ở biển Đông và các vùng biển khác. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản lần đầu tiên được mời tham gia phiên họp.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tối 31-5 (giờ địa phương) có bài phát biểu khai mạc SLD, đề cập vị trí pháp lý và địa chính trị của Philippines đối với biển Đông, cũng như tầm quan trọng của tuyến đường thủy này đối với thương mại toàn cầu.
Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh cam kết của Philippines đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và chủ nghĩa đa phương mang tính xây dựng.
Ông Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định bài phát biểu của ông Marcos sẽ đưa các vấn đề biển Đông vào chương trình nghị sự. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh thân cận sẽ nêu vấn đề eo biển Đài Loan.
Tại SLD 2024, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân lần lượt phát biểu trong ngày 1 và 2-6. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ tiết lộ với Reuters rằng ông Austin sẽ sử dụng bài phát biểu để nói đến các liên minh trong khu vực.
Theo quan chức này, Washington đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc trong vài năm qua liên quan đến việc củng cố các liên minh, tăng cường vị thế lực lượng và đầu tư vào những năng lực cần thiết. Lầu Năm Góc cho rằng các thỏa thuận như dự án quốc phòng AUKUS (giữa Mỹ, Anh, Úc) là dấu hiệu cụ thể về tiến triển đạt được tại khu vực.
Trong số các sự kiện diễn ra bên lề SLD 2024, đáng chú ý là cuộc gặp dự kiến giữa bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc trong ngày 2-6. Nội dung thảo luận chính là tăng cường hợp tác an ninh 3 bên để đối phó “mối đe dọa” từ Triều Tiên. Không lâu sau khi phóng vệ tinh do thám thất bại, Bình Nhưỡng hôm 31-5 cho biết đã phóng 18 tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong một cuộc diễn tập, dẫn đến phản ứng mạnh của Seoul.