Bộ Thương mại Mỹ vừa thu hồi giấy phép xuất khẩu chip dùng cho máy tính xách tay và thiết bị di động của Huawei Technologies (Trung Quốc) – hãng đang bị Washington trừng phạt.
Theo Reuters, các công ty Mỹ nhận được thông báo thu hồi giấy phép nói trên hôm 7-5, trong đó có 2 nhà sản xuất chip hàng đầu Intel và Qualcomm.
Đến ngày 8-5, hãng Intel cho biết doanh số bán hàng của họ sẽ bị ảnh hưởng sau khi Mỹ thu hồi một số giấy phép xuất khẩu chip cho một khách hàng Trung Quốc nhưng không nêu cụ thể tên đối tác này. Trong khi đó, Qualcomm xác nhận giấy phép xuất khẩu chip cho Huawei đã bị thu hồi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức lên tiếng phản đối động thái trên, cho rằng Mỹ đang làm căng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để trấn áp công ty Trung Quốc mà không có lý do chính đáng. Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách hạn chế thương mại hồi năm 2019 giữa lúc có nỗi lo hãng này có thể do thám người Mỹ.
Bước đi này đòi hỏi các nhà cung cấp của Huawei phải tìm kiếm giấy phép đặc biệt trước khi giao hàng.
Trong khi đó, theo Reuters hôm 8-5, Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét thúc đẩy quy định mới nhằm hạn chế xuất khẩu các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) nguồn đóng hoặc độc quyền. Mô hình AI khai thác lượng lớn văn bản, hình ảnh để tóm tắt thông tin và tạo ra nội dung.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu ở Mỹ lo ngại những đối thủ của nước này có thể sử dụng các mô hình AI để tiến hành tấn công mạng hoặc thậm chí có thể tạo ra vũ khí sinh học.
Một động thái như thế sẽ là sự bổ sung mới nhất cho một loạt biện pháp được áp dụng trong 2 năm qua nhằm ngăn xuất khẩu chip AI tiên tiến sang Trung Quốc. Mục tiêu của chính sách này là làm chậm sự phát triển công nghệ AI phục vụ mục tiêu quân sự của Bắc Kinh.
Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại nhằm vào Trung Quốc với lý do quan ngại về an ninh quốc gia. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), diễn biến này đã được phản ánh trên toàn cầu, với hơn 3.000 hạn chế thương mại được các quốc gia áp đặt vào năm 2022 và 2023, gấp 3 lần so với năm 2019.
Trong một bài phát biểu mới đây tại ĐH Stanford (Mỹ), Phó Giám đốc điều hành IMF, bà Gita Gopinath, cảnh báo những khác biệt giữa khối kinh tế do Mỹ dẫn đầu và khối kinh tế liên kết với Trung Quốc đang đe dọa hợp tác thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khối Mỹ chủ yếu gồm châu Âu, Canada, Úc và New Zealand, trong khi các nước nghiêng về Trung Quốc gồm Nga, Eritrea, Mali, Nicaragua và Syria.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, thương mại giữa các khối này đã giảm khoảng 12%. Mặc dù phân mảnh kinh tế hiện nay chưa nghiêm trọng như thời chiến tranh lạnh nhưng tác động tiềm tàng của nó lại lớn hơn nhiều do kinh tế toàn cầu hiện phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại – theo bà Gopinath.