Tàu vũ trụ Starliner của hãng Boeing dự kiến được phóng lên quỹ đạo trong hôm nay, 6-5, sau khi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) bật đèn xanh cho sứ mệnh có phi hành đoàn này.
Chuyến bay sẽ đưa 2 phi hành gia của NASA – Suni Williams (58 tuổi) và Butch Wilmore (61 tuổi) – lên Trạm Không gian quốc tế (ISS). Theo kế hoạch, họ sẽ ở trên đó ít nhất 8 ngày để thử nghiệm Starliner trước khi trở về trái đất sớm nhất là ngày 15-5.
Trước vụ phóng này, giới lãnh đạo NASA nhận định chuyến bay chở người đầu tiên của một tàu không gian mới là cột mốc quan trọng và là sứ mệnh lịch sử. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, Starliner có thể được phê chuẩn để bay lên không gian thường xuyên hơn trong Chương trình phi hành đoàn thương mại của NASA.
Theo Reuters, NASA trong những năm gần đây đã hỗ trợ phát triển một thế hệ tàu vũ trụ mới của tư nhân có thể đưa phi hành gia và khách hàng lên ISS. Không dừng lại ở đó, thế hệ tàu này còn được kỳ vọng đưa người lên mặt trăng và cuối cùng là sao Hỏa trong chương trình Artemis đầy tham vọng.
Có chỗ cho tối đa 7 phi hành gia, Starliner đã trở thành biểu tượng cho nỗ lực cạnh tranh của Boeing với các đối thủ không gian mới, nổi bật là Công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk.
Ngay sau khi chương trình tàu con thoi kết thúc, NASA hồi năm 2014 đã ký hợp đồng trị giá 4,2 tỉ USD với Boeing để phát triển và vận hành tàu không gian mới nhằm phục vụ hoạt động của ISS. Hợp đồng tương tự giữa NASA và SpaceX trị giá 2,6 tỉ USD.
Trong cuộc cạnh tranh này, SpaceX đã vượt lên và đi vào lịch sử hồi tháng 5-2020 với chuyến bay thử nghiệm của tàu Crew Dragon, đưa 2 phi hành gia lên ISS trong sứ mệnh kéo dài 2 tháng. Đến nay, tàu này đã có 13 chuyến bay đưa phi hành gia, khách hàng và du khách lên quỹ đạo.
Trong khi đó, quá trình phát triển và thử nghiệm Starliner lại gặp không ít trục trặc. Năm 2019, tàu này được phóng lên ISS trong sứ mệnh không có phi hành đoàn và dự kiến kéo dài 1 tuần. Tuy nhiên, tàu này phải trở lại trái đất sớm vài ngày do một loạt vấn đề về phần mềm và kỹ thuật.
Đến năm 2022, Boeing thực hiện thành công nỗ lực thứ hai để phóng Starliner lên ISS và quay trở lại. Theo kế hoạch ban đầu, sứ mệnh thử nghiệm với phi hành đoàn diễn ra vào mùa hè năm ngoái nhưng cuối cùng cũng bị hoãn. Vì thế, theo tờ Los Angeles Times, việc vụ phóng trên diễn ra thành công đóng vai trò quan trọng đối với quan hệ đối tác giữa Boeing và NASA trong bối cảnh uy tín công ty này bị trúng đòn bởi một loạt sự cố gần đây liên quan đến máy bay của họ.
Đã có gần 4.000 nghiên cứu khoa học được tiến hành trên ISS và NASA hiện ủng hộ phát triển trạm vũ trụ tư nhân để có thể thay thế ISS một khi trạm này “về hưu”. Công ty Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos đang có kế hoạch xây một trạm vũ trụ như thế, gọi là Orbital Reef.
Ngoài ra, chương trình phi hành đoàn thương mại của NASA còn cho phép các công ty bán dịch vụ tàu vũ trụ cho khách hàng tư nhân. Theo ước tính của cơ quan này, chi phí cho mỗi vị trí trên tàu Crew Dragon là khoảng 55 triệu USD, trong khi của Starliner là 90 triệu USD.