Theo Politico, cuộc tập trận chung này có tên là Eagle Assault, sẽ kéo dài 11 ngày – tức đến ngày 19-7.
Bộ Quốc phòng Belarus viết trên Telegram : “Là một phần của cuộc tập trận chống khủng bố, quân nhân cả hai nước sẽ thực hành hạ cánh ban đêm, vượt qua chướng ngại vật trên mặt nước và các hoạt động ở khu vực đô thị”.
Các bài đăng tiếp theo trên trang này cũng thể hiện sự sẵn sàng của lực lượng vũ trang Belarus.
Trong đó, một bài đăng khẳng định: “Nhóm NATO ở biên giới với Belarus đang phát triển nhanh chóng, dẫn đến gia tăng căng thẳng trong khu vực”.
Một bài đăng khác nêu rõ cảnh báo về “phản ứng dữ dội” nếu bất kỳ ai vượt qua biên giới Belarus.
Tại một cuộc họp báo trước đó – ngày 5-7, Phó tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Belarus Vladimir Kupriyanyuk nói rằng các cuộc tập trận là phản ứng trước “chính sách đối ngoại hung hăng của phương Tây đối với Belarus” và “hành động khiêu khích của Ukraine”.
Belarus là một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga sau khi nổ ra xung đột Nga – Ukraine năm 2022, cung cấp hỗ trợ hậu cần và căn cứ không quân nhưng không cung cấp quân đội tham gia chiến đấu.
Vào ngày 4-7, Belarus đã trở thành thành viên thứ 10 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – một nhóm được Bắc Kinh và Moscow thúc đẩy như một đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây.
Iran, Pakistan và Ấn Độ cũng là thành viên tổ chức này.
Belarus và Nga trước đây từng tập trận triển khai vũ khí hạt nhân và tổ chức tập trận quân sự chung.
Cuộc tập trận chung của Trung Quốc – Belarus bắt đầu ngay trước hội nghị thượng đỉnh NATO – diễn ra từ ngày 9 đến 11-7 tại Washington. Thượng đỉnh NATO nhiều khả năng tập trung vào việc viện trợ cho Ukraine, sản xuất quốc phòng và mục tiêu ngân sách quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Władysław Kosiniak-Kamysz cho biết hồi tuần trước rằng Ba Lan và Lithuania sẽ nêu vấn đề bảo vệ biên giới tại hội nghị thượng đỉnh.
“Có một cuộc xung đột hỗn hợp đang diễn ra trên biên giới Ba Lan – Belarus, cũng như trên biên giới Latvia, Lithuania và Estonia” – ông Kosiniak-Kamysz cho biết.