Nguy cơ lâu dài, thách thức nghiêm trọng

Đối với nước Nga và cả châu Âu, khủng bố không phải là chuyện mới nhưng vụ xả súng vừa rồi vào những người dự buổi hòa nhạc ở ngoại ô thủ đô Moscow một lần nữa thời sự hóa vấn đề khủng bố, cũng như khiến tất cả đều phải ưu tiên đối phó.

Muốn phát hiện sớm và kịp thời mọi âm mưu tấn công, ngăn ngừa khủng bố thật sự hiệu quả, các nơi tại châu lục này đều phải tốn kém thêm công sức và tiền của, đặc biệt là phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Sự hợp tác này rất cần thiết nhưng lại rất khó gây dựng.

Mọi hướng điều tra, suy đoán ở Nga và châu Âu đều thiên về xác định đứng sau vụ tấn công là một nhánh ở Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nga đưa ra những cáo buộc nhất định về việc các nước phương Tây và Ukraine lợi dụng vụ việc này.

Vụ việc một lần nữa cho thấy nguy cơ khủng bố luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu tại châu Âu. Tàn quân của IS từ sau khi tổ chức này bị đập tan ở Iraq và Syria đã xâm nhập, len lỏi vào các quốc gia châu Âu, nhất là ở những nơi có đông đảo dân cư theo đạo Hồi hay những quốc gia xưa nay có vấn đề khúc mắc với đạo Hồi.

Cả châu Âu hiện trong tình trạng báo động, đặc biệt về hoạt động của những tổ chức, lực lượng và phần tử Hồi giáo cực đoan. Thế nhưng, hiện cũng là thời kỳ cả châu lục bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine và cuộc đối đầu quyết liệt giữa Nga với phương Tây. 

Châu Âu trở nên bất an và bất ổn về chính trị an ninh, cục diện quan hệ và tập hợp lực lượng giữa các quốc gia biến động phức tạp, hợp tác giữa các nước trở nên khó khăn hơn, đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động khó được gây dựng. Bối cảnh như thế chẳng phải thuận lợi cho các hoạt động khủng bố hay sao?

Tàn binh của IS nói riêng và các tổ chức, phần tử Hồi giáo cực đoan nói chung ngày nay có thể không còn ở thời đỉnh điểm nên đã chuyển hướng sang làm cho các kẻ thù, đối thủ phải chung sống lâu dài với nguy cơ bị tấn công. Những kẻ này cần tiếng vang của các vụ tấn công để khuếch trương thanh thế, kích động những phần tử cực đoan khác gây hoảng loạn khắp châu Âu.

Cho nên, khủng bố sẽ vẫn còn là nguy cơ, thách thức lâu dài và rất thực tế đối với tất cả quốc gia châu Âu. Việc đối phó sẽ ngày càng khó khăn và phức tạp.

 Chính vì thế, khủng bố sẽ tác động không nhỏ đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, mối quan hệ giữa Nga với các quốc gia khác ở châu Âu và với khối phương Tây trong thời gian tới vì để đối phó, các bên đối kháng nhau này buộc phải ngồi lại với nhau.